Để phát huy di sản phim truyện chiến tranh của điện ảnh Việt Nam: Tránh đầu tư theo kiểu “cắt khúc”

VHO - Tại Hội thảo khoa học Di sản phim truyện chiến tranh của điện ảnh Việt Nam: Giá trị nghệ thuật, lưu trữ, khai thác và phổ biến trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra vừa qua tại Hà Nội, nhiều đại biểu nhận định, việc khai thác, phổ biến phim truyện đề tài chiến tranh nói riêng và những bộ phim Nhà nước đặt hàng nói chung hiện nay đang gặp khó do phương thức đầu tư bị đứt đoạn, chưa có sự đồng bộ giữa các khâu.

 

Để phát huy di sản phim truyện chiến tranh của điện ảnh Việt Nam: Tránh đầu tư theo kiểu “cắt khúc” - Anh 1

 Phim đề tài chiến tranh lịch sử Vit Nam cần được đầu tư đồng bộ (Ảnh: Phim “Đừng đốt”)

Hội thảo do Viện phim Việt Nam (Bộ VHTTDL) tổ chức, nằm trong khuôn khổ đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ: Sự vận động của nhân vật trong phim truyện đề tài chiến tranh Việt Nam của điện ảnh Việt Nam và điện ảnh Mỹ sau năm 1975.

Phụ thuộc vào kinh phí đầu tư Nhà nước

Theo PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, ngày nay với điều kiện kinh tế thị trường, khi các hãng tư nhân được tham gia hoạt động sản xuất phim thì đề tài chiến tranh không phải lựa chọn ưu tiên của các nhà đầu tư, dù đây là dòng phim có vai trò quan trọng đối với điện ảnh Việt Nam. Nguyên nhân được PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú chỉ ra là dòng phim này vừa kén khách, vừa đòi hỏi mức đầu tư tốn kém, phức tạp trong dàn dựng và tái hiện bối cảnh… Trong khi đó, khả năng thu hồi vốn lại rất khó khiến nhà đầu tư e ngại. Như vậy vô hình trung, hoạt động sản xuất phim truyện điện ảnh Việt Nam về đề tài chiến tranh trở nên phụ thuộc hoàn toàn vào sự đầu tư của Nhà nước.

Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cũng cho hay, có một thực tế là đa số các bộ phim do Nhà nước đặt hàng thường xuyên lỗ vốn do ít người xem. Nguyên nhân đầu tiên là những bộ phim này không có kinh phí quảng cáo nên khán giả không biết. Dẫn chứng trường hợp của Đào, Phở và Piano, PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú chia sẻ, phim nổi tiếng nhờ TikToker Giao Cùn có clip chia sẻ và sau đó cộng đồng mạng truyền tai nhau. Vì chưa có quy định về ngân sách dành cho hoạt động phát hành, phổ biến, Đào, Phở và Piano vì thế không có nổi một cuộc họp báo ra mắt. Điều đáng mừng là nhờ thông tin trên mạng xã hội, từ sau Tết Nguyên đán, dòng người tới rạp xem phim này ngày càng đông dẫn tới hiện tượng “cháy vé”, đây là câu chuyện hiếm gặp với phim về đề tài chiến tranh do Nhà nước đặt hàng.

ThS Huỳnh Công Khôi Nguyên, Giám đốc Nhà văn hóa Điện ảnh tại TP.HCM (Viện Phim Việt Nam) khẳng định, phim đề tài chiến tranh là một phần rất quan trọng trong di sản điện ảnh cách mạng Việt Nam, là minh chứng cho những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật vượt thời gian. Những giá trị ấy cần tiếp tục được gìn giữ và phát huy thông qua các hoạt động phổ biến, giới thiệu phim đến cộng đồng, nhất là giới trẻ.

“Hiện nay, nhu cầu xem phim của giới trẻ trên Internet là rất lớn, nhưng hoạt động phổ biến phim, tư liệu điện ảnh chiến tranh cách mạng Việt Nam trên không gian mạng lại chỉ ở bước thử nghiệm. Vậy nên, số lượng hoạt động quảng bá, phổ biến phim chưa đáp ứng được nhu cầu của công chúng; hiệu quả trong quảng bá các bộ phim đề tài chiến tranh chưa được như kỳ vọng. Nguồn lực và năng lực hạn chế là một trong những nguyên nhân gây ra thực trạng này”, ThS Huỳnh Công Khôi Nguyên nêu.

Để phát huy di sản phim truyện chiến tranh của điện ảnh Việt Nam: Tránh đầu tư theo kiểu “cắt khúc” - Anh 2

 Hội thảo đưa ra nhiều giải pháp nhằm tăng cường đầu tư phim truyện đề tài chiến tranh Việt Nam

Đầu tư phải đồng bộ, chuyên nghiệp

PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú cho hay, việc đầu tư cho phim truyện chiến tranh của điện ảnh Việt Nam cần đồng bộ, chuyên nghiệp, tránh theo kiểu “cắt khúc”. Theo đó, không chỉ đầu tư cho riêng hoạt động sản xuất mà còn phải dành kinh phí cho cả hoạt quảng cáo và phát hành, phổ biến phim sử dụng ngân sách nhà nước. Vấn đề lên chiến lược quảng cáo, tuyên truyền, giới thiệu tác phẩm cần được quan tâm, vận hành bài bản ngay từ khi chuẩn bị khởi động dự án làm phim và kéo dài xuyên suốt quá trình sản xuất. Bên cạnh đó, ngoài chuyên mục talkshow, giới thiệu, phỏng vấn về phim trên sóng truyền hình, cần tận dụng thế mạnh của các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook, Instagram… để lan tỏa thông tin về những bộ phim đang làm, sắp chiếu.

Đồng quan điểm, ThS Huỳnh Công Khôi Nguyên cho rằng, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần sớm xem xét điều chỉnh, bổ sung những quy định để tạo điều kiện hợp pháp, dành nguồn lực cho việc tiếp cận và mở rộng quyền khai thác, phổ biến đối với tư liệu điện ảnh; nhất là tư liệu điện ảnh chiến tranh cách mạng Việt Nam. Ngoài ra, ưu tiên hàng đầu là tập trung nguồn lực tổ chức phổ biến, quảng bá trên không gian mạng và các hạ tầng kỹ thuật số. Thông qua việc sớm xây dựng các kênh thông tin điện tử chuyên biệt, phân loại hệ thống danh mục tư liệu hình ảnh động, phim, tài liệu… một cách khoa học, công chúng trên toàn cầu sẽ dễ tiếp cận với phim, tư liệu điện ảnh chiến tranh cách mạng Việt Nam chỉ với một cú nhấp chuột.

Nhà báo Ngô Minh Nguyệt, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật chia sẻ, sự nóng lên bất ngờ của Đào, Phở và Piano đã lộ ra những bất cập trong chính sách khi không dành riêng cho mảng phát hành, phổ biến phim sự quan tâm cũng như chính sách, kinh phí hợp lý. Để các bộ phim sử dụng ngân sách nhà nước, trong đó có phim về đề tài chiến tranh, có thể ra mắt tại tất cả các cụm rạp (nhà nước hay tư nhân, rạp có vốn đầu tư nước ngoài…), rất cần sự tháo gỡ các quy định cụ thể về chi phí phát hành, tỷ lệ ăn chia tại rạp. 

ĐÌNH TOÁN; ảnh: TRẦN HUẤN

Ý kiến bạn đọc